Tại sao trẻ ngủ nghiến răng? Làm thế nào làm giúp con xóa bỏ chứng nghiến răng để ngủ ngon giấc và đảm bảo an toàn cho sức khỏe?
Một số nghiên cứu ước tính được rằng có khoảng từ 6% – 50% trẻ em mắc chứng nghiến răng về đêm. Đặc biệt, nghiến răng được cho là phổ biến ở trẻ sơ sinh vào giai đoạn những chiếc răng sữa bắt đầu mọc. Trẻ ngủ nghiến răng thường khiến bố mẹ lo sợ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của con. Vậy, tại sao trẻ ngủ nghiến răng và cách khắc phục như thế nào? Cùng khám phá câu trả lời nhé.
1. Căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng, lo lắng là một nguyên nhân phổ biến của trẻ ngủ nghiến răng. Một nghiên cứu được thực hiện ở trẻ em trong độ tuổi đi học cho thấy chứng nghiến răng là một cách đối phó với các căng thẳng khi làm bài tập về nhà hay áp lực phải đạt thành tích cao.
Vì vậy, nếu phát hiện trẻ thường xuyên nghiến răng khi ngủ, bố mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn, đặc biệt là những đứa trẻ đang trong độ tuổi cấp sách đến trường. Nói chuyện và chia sẻ với con những điều trong cuộc sống là một phương pháp hiệu quả nhằm giúp trẻ vơi đi những căng thẳng, lo lắng và nỗi buồn, đồng thời xây dựng tình cảm gia đình ngày càng bền chặt.

2. Sức khỏe tâm lý, rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ hay gặp sức khỏe về tâm lý có thể dẫn đến nghiến răng khi ngủ ở các đứa trẻ. Ngoài căng thẳng và lo lắng, chứng nghiến răng dường như xảy ra nhiều hơn ở trẻ em mắc một số bệnh khác liên quan đến sức khỏe tâm lý như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc chứng đau nửa đầu.
Bên cạnh đó, nghiến răng cũng có thể là biểu hiện của một số loại bệnh liên quan đến rối loạn giấc ngủ như bệnh ký sinh trùng, ngủ ngáy và rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu thực nghiệm vẫn chưa chắc chắn rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân chính ảnh hưởng lên tật nghiến răng vào ban đêm.

Nếu trẻ thường xuyên khó ngủ, mất ngủ, ngủ ngày thức đêm và kèm theo biểu hiện nghiến răng thì xây dựng quy trình ngủ khoa học là cách đơn giản giúp trẻ có giấc ngủ ngon. Chẳng hạn bố mẹ hình thành cho con các thói quen trước khi ngủ như ăn một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng, sau đó đánh răng, tắm nước ấm sau đó lên giường ngủ hoặc cùng con âu yếm kể chuyện, cùng nhau ca hát hoặc nghe nhạc nhẹ trước khi ngủ.

Bên cạnh đó, không gian ngủ cũng có thể quyết định chất lượng giấc ngủ. Nên đảm bảo phòng ngủ tối và yên tĩnh, hạn chế cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Ngoài ra, để cải thiện giấc ngủ và tinh thần, chế độ ăn cũng rất quan trọng, ăn chế độ giàu dinh dưỡng, ít đường, tránh ăn nhiều thức ăn cứng, hạn chế nhai kẹo cao su cũng là cách hiệu quả để gián tiếp giảm chứng nghiến răng.
3. Các vấn đề về nha khoa
Nghiến răng khi ngủ thường gặp ở những trẻ em có răng mọc lệch hay những trẻ mang thiết bị chỉnh nha cố định. Tuy nhiên, theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, không có đủ bằng chứng để xác nhận các vấn đề về răng miệng là nguyên nhân chính gây ra chứng nghiến răng. Ngoài ra, một vài nghiên cứu cũng phát hiện nghiến răng phổ biến hơn ở những người thở chủ yếu bằng miệng.
Vì thế, thư giãn các cơ mặt vào ban ngày bằng cách chườm túi nóng hay lạnh hoặc uống nước ấm có thể làm giảm chứng nghiến răng vào ban đêm và làm dịu răng hay các hàm bị đau.
4. Khói thuốc
Hít phải khói thuốc cũng là một yếu tố nguy hại làm phát triển chứng nghiến răng ở trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả việc tiếp xúc với khói thuốc dù gián tiếp ở mức độ vừa phải cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng nghiến răng ở trẻ em. Vì thế, tuyệt đối không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều với khói thuốc để hạn chế chứng nghiến răng và bảo vệ phổi của con.
5. Dấu hiệu cho thấy trẻ thường xuyên nghiến răng về đêm
Đêm là thời điểm con người thường đang trong trạng thái vô thức của giấc ngủ. Vì thế, tìm hiểu để phát hiện ra những dấu hiệu của chứng nghiến răng là cực kỳ cần thiết để giúp trẻ chữa chứng nghiến răng kịp thời. Dấu hiệu thường gặp là trẻ nhỏ bị tổn thương răng (gãy, mòn răng hoặc tụt nướu) không rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, những đứa trẻ ngủ nghiến răng đôi khi nhạy cảm hơn với thức ăn và đồ uống nóng hoặc lạnh. Nếu quan sát thấy con buốt răng khi uống lạnh hay khó khăn với đồ ăn nóng thì có thể đó là dấu hiệu con bị chứng nghiến răng.
Trẻ đau hoặc nhức đầu hàm vì chịu áp lực liên tục từ hai hàm răng nghiến chặt về đêm có thể dẫn đến đau đầu và thỉnh thoảng phát ra âm thanh lách cách hoặc tăng kích thước cơ hàm.
Ngoài ra, âm thanh mài thường phát ra về đêm khi con nghiến răng dù không quá lớn như tiếng ngáy nhưng cũng có thể đánh thức người xung quanh.
Nghiến răng khi ngủ là một phản ứng không kiểm soát của trẻ và bản chất không phải là một chứng bệnh nguy hiểm. Song, về lâu dài, trẻ ngủ nghiến răng thường xuyên có thể gây đau hàm, tổn thương răng, lợi và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, nắm được nguyên nhân cũng như cách chữa trị là kiến thức bổ ích giúp chúng ta giúp trẻ xóa bỏ chứng ngủ nghiến răng và có được một giấc ngủ chất lượng.