Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, lý do chính xác tại sao chúng ta ngủ vẫn là một trong những bí ẩn hấp dẫn nhất đối với loài người và ngành khoa học sức khỏe. Để phần nào giải đáp thắc mắc này, hãy cùng xem các chuyên gia phân tích cơ chế giấc ngủ và điều gì sẽ xảy ra khi ngủ nhé!
Mặc dù còn nhiều điều cần phải tìm hiểu về cách thức hoạt động phức tạp của giấc ngủ, nhưng những nghiên cứu cho đến hiện tại đã làm sáng tỏ cơ chế giấc ngủ – những gì xảy ra trong não và cơ thể trong khi ngủ. Kiến thức này sẽ cho bạn thấy rõ hơn giấc ngủ kết nối với nhiều yếu tố sức khỏe thể chất, cảm xúc tinh thần, đặc biệt hơn là cách mọi người có được giấc ngủ ngon.
Sự thật 1: Cơ chế giấc ngủ theo đồng hồ sinh học
Mỗi người có một hệ thống “đồng hồ sinh học” được lập trình cứ sau 24 giờ sẽ thiết lập lại từ đầu. Đồng hồ sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone, điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn, cũng như nhiệt độ và các chức năng khác của cơ thể, trong đó có giấc ngủ.
Chu kỳ 24 giờ của đồng hồ sinh học có sự tác động bởi ánh sáng tự nhiên. Vào buổi tối khi ánh sáng tự nhiên bắt đầu biến mất, tuyến tùng trong não sản xuất melatonin mang lại cảm giác thư thái và buồn ngủ. Khi thức dậy vào buổi sáng, đôi mắt cảm nhận được ánh sáng tự nhiên thì cơ thể cũng sẽ sản xuất ra một loại hormone khác là cortisol giúp thúc đẩy sự tỉnh táo.
Ngoài nhịp sinh học, giấc ngủ còn hoạt động theo quá trình cân bằng nội môi khi ngủ – thức. Hệ thống này tự điều chỉnh theo cơ chế thức càng lâu càng cảm thấy cần ngủ, áp lực đi ngủ sẽ tăng lên dựa trên thời gian bạn đã thức.
Sự thật 2: Khi ngủ, não bộ vẫn tiếp tục hoạt động
Đừng để bị đánh lừa rằng khi ngủ não bộ cũng tạm ngừng hoạt động. Bộ não của bạn thực sự khá bận rộn trong khi ngủ đấy! Chúng phải tổng hợp tất cả thông tin thu thập trong ngày và lưu trữ lại để sử dụng cho tương lai. Cơ chế giấc ngủ này đặc biệt quan trọng để tạo ra những ký ức dài hạn và xoá bỏ các thông tin “rác”.
Tương tự như trên, ngủ là thời điểm đồng hồ bên trong cơ thể kết hợp với não bộ điều chỉnh sản xuất nhiều loại hormone quan trọng, bao gồm:
– Melatonin: giúp thúc đẩy quá trình diễn ra giấc ngủ.
– Hormone tăng trưởng: hỗ trợ phát triển xương, cơ cũng như trao đổi chất. Đây là một trong những lý do tại sao giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
– Cortisol: kích thích sự trao đổi chất và lập trình cơ thể cho chế độ ban ngày.
– Leptin và ghrelin: tạo nên sự thèm ăn và kích hoạt cơn đói, trong đó ghrelin khiến bạn cảm thấy đói và leptin cho biết bạn đã no. Thiếu ngủ có thể làm tăng mức ghrelin và giảm mức leptin. Kết quả là làm bạn ăn nhiều hơn so với những người ngủ ngon giấc.
Nhìn chung, mức độ hormone dao động theo từng giai đoạn ngủ khác nhau. Chất lượng giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone.
Sự thật 3: Cơ bắp tạm thời tê liệt trong giai đoạn giấc ngủ REM
Trong khi ngủ, bạn sẽ trải qua các giai đoạn ngủ khác nhau từ chuyển động mắt không nhanh (NREM) đến chuyển động mắt nhanh (REM). Riêng với giai đoạn REM, chúng ta sẽ có những giấc mơ sống động nhất – được xem là “van an toàn” cho những ham muốn vô thức. Những trải nghiệm kỳ lạ, phi logic mà chúng ta gọi là giấc mơ hầu như luôn xảy ra trong giấc ngủ REM.
Giấc ngủ REM gửi tín hiệu làm tắt các tế bào thần kinh trong tủy sống, gây tê liệt tạm thời các cơ tay chân. Hiểu một cách đơn giản, bạn sẽ không thể cử động để thực hiện các sự kiện trong mơ. Ngược lại, nếu có thứ gì đó cản trở tình trạng tê liệt này, con người sẽ bắt đầu thực hiện giấc mơ của họ về thể chất – một vấn đề nguy hiểm, hiếm gặp được gọi là rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
Sự thật 4: Hormone chống lợi tiểu (ADH) giúp bạn không phải đi tiểu khi ngủ
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình phải vào nhà vệ sinh nhiều lần trong ngày, nhưng có thể ngủ cả tám tiếng đồng hồ mà chẳng hề tỉnh giấc?
Tất cả là nhờ ADH – một loại hormone chống lợi tiểu được não tiết ra theo nhịp sinh học, giúp loại bỏ nhu cầu đi vệ sinh thường xuyên vào ban đêm.
Sự thật 5: Hệ thống miễn dịch giải phóng cytokine khi ngủ
Trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch giải phóng một loại protein gọi là cytokine. Nếu bạn bị ốm hoặc bị thương, những cytokine này sẽ giúp cơ thể bạn chống lại chứng viêm, nhiễm trùng và chấn thương. Nếu không ngủ đủ giấc, hệ thống miễn dịch của bạn có thể không thể hoạt động tốt nhất.
Sự thật 6: Điều gì sẽ xảy ra khi mất ngủ?
Những người bị chứng mất ngủ thường rất khó đi vào giấc ngủ hoặc không thể ngủ đủ giấc. Cơ thể không trải qua cơ chế giấc ngủ như bình thường để được nghỉ ngơi đầy đủ, dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và sức khoẻ, dẫn đến các vấn đề như:
– Mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ: Mất ngủ, ngủ không đủ giấc khiến tế bào thần kinh không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất. Khi máu không lưu thông lên não, nguy cơ chết mô não tăng cao, hoặc vỡ mạch máu não gây ra xuất huyết dẫn đến đột quỵ
– Béo phì: Ngủ không đủ giấc cản trở việc sản xuất hormone ghrelin và leptin, điều này có thể khiến bạn ăn nhiều hơn trong ngày, dẫn đến tăng cân và béo phì không tốt cho sức khỏe.
– Bệnh tiểu đường tuýp 2: Không nghỉ ngơi đầy đủ có thể làm tăng lượng đường trong máu khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn.
– Sức khỏe miễn dịch kém: Không có đủ thời gian để tự phục hồi, hàng rào bảo vệ của hệ thống miễn dịch suy yếu do ngủ không đủ giấc, khiến cơ thể bạn khó ngăn ngừa bệnh tật, nhiễm trùng và nguy cơ bị bệnh cao hơn.
– Giảm khả năng tập trung và giảm thời gian phản ứng của bạn: Mất ngủ khiến bạn giảm tập trung, dễ gặp tai nạn. Một thống kê cho thấy có khoảng 100.000 vụ tai nạn ô tô với 1.500 ca tử vong xảy ra mỗi năm với nguyên nhân liên quan đến việc tài xế buồn ngủ.
Sự thật 7: Điều gì sẽ xảy ra trong khi ngủ quá nhiều?
Ngủ quá nhiều cũng là một trong những dấu hiệu của triệu chứng rối loạn giấc ngủ vì những người bị mất ngủ thường cảm thấy buồn ngủ quá mức vào ban ngày và khó có thể tỉnh táo khi cần.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngủ quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim và hệ tuần hoàn. Từ đó, gây ra các bệnh về tim mạch như huyết áp cao, xơ vữa động mạch. Đồng thời, chứng rối loạn giấc ngủ này cũng đem lại những tác hại tương tự mất ngủ như béo phì, tiểu đường, mất tập trung…
Tóm lại, ngủ đủ và ngủ ngon cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Nếu bạn khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không cảm thấy sảng khoái khi thức dậy hoặc mệt mỏi trong ngày, hãy đến gặp bác sĩ – chuyên gia để cải thiện giấc ngủ để được khám và tư vấn, tránh các nguy cơ tiềm ẩn từ rối loạn giấc ngủ.