Sử dụng lá đinh lăng để cải thiện chất lượng giấc ngủ có hiệu quả và an toàn không? Nên chế biến lá đinh lăng chữa mất ngủ như thế nào?
Một giấc ngủ ngon mỗi đêm tưởng chừng như dễ dàng nhưng ngày nay lại trở thành niềm ao ước của nhiều người. Chất lượng giấc ngủ giảm sút, thiếu ngủ hay mất ngủ đang gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng công việc của chúng ta. Nhiều người đã lựa chọn lá đinh lăng chữa mất ngủ như một thứ thuốc hiệu quả. Vậy đinh lăng có thực sự mang lại một giấc ngủ chất lượng?
1. Nguyên nhân bạn thường xuyên mất ngủ
Mất ngủ hay khó ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan hay khách quan khác nhau.
Ngày nay, một giấc ngủ ngon không được coi trọng, nhiều người thường tận dụng thời gian về đêm để hội họp bạn bè sau một ngày làm việc hay thay thế thời gian ngủ để thư giãn bằng các thiết bị điện tử. Từ đó, việc lạm dụng chất kích thích cafein trong cafe và trà ngày một nhiều. Một ly cafe kích thích sự tỉnh táo trở thành thói quen mỗi đêm có thể vô tình kiểm soát giấc ngủ của bạn, dẫn đến mất giấc và khó ngủ về lâu dài. Mặc khác, sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá cũng gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Bên cạnh đó, thói quen ăn no hoặc ăn thức ăn cay, nhiều dầu mỡ trước khi ngủ có thể làm năng lượng trong cơ thể không thể chuyển hóa gây khó tiêu, nặng bụng dẫn đến không thể ngủ ngon.
Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực và gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý dẫn đến trầm cảm là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mất ngủ.

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao mình có thể thức đến 3 giờ sáng chỉ để lướt Tik Tok hay Facebook? Sử dụng các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh như điện thoại, laptop, tivi,… trước khi ngủ làm kích thích các dây thần kinh, khiến chúng ta không thể chợp mắt. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác như tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ của không gian phòng ngủ không thoải mái cũng khiến chất lượng giấc ngủ giảm sút.
2. Tìm hiểu về cây đinh lăng
Đinh lăng là loại cây thân thuộc trong nhiều khu vườn của người Việt Nam. Đinh lăng cao 1 – 2 mét, lá chét có răng cưa, mọc so le. Người Việt chúng ta thường ăn kèm lá đinh lăng với gỏi cá, có lẽ vì vậy nên đinh lăng cũng phổ biến với tên gọi là cây gỏi cá. Ngoài ra, loại cây thuộc họ Nhân sâm này còn có tên gọi khác là nam dương sâm.

Đinh lăng xuất hiện trong những khu vườn với công dụng đa dạng như làm cảnh, đóng vai trò là một nguồn năng lượng xanh để lọc không khí. Cây còn mang ý nghĩa phong thủy như xua đuổi xui xẻo, mang đến nhiều tài lộc cho người trồng. Đặc biệt hơn cả, đinh lăng được người dân tận dụng bộ rễ và lá cây với mục đích sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Cây thường dùng làm hương liệu nấu ăn hay bài thuốc gia truyền trị bách bệnh.
3. Lá đinh lăng chữa mất ngủ được không?
Mất ngủ là tình trạng ngày càng phổ biến và ảnh hưởng đến chất lượng công việc chúng ta. Vì ngủ ngày, thức đêm, mệt mỏi và ủ rũ nên nhiều người đã tìm đến đinh lăng như một nguyên liệu gia truyền để trị bệnh và thật sự mang lại hiệu quả.
Đinh lăng có chứa Saponin – thành phần chủ yếu trong các loại thảo mộc, nhân sâm hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ ung thư. Thể chất khỏe mạnh gián tiếp giúp tinh thần thoải mái hơn để tận hưởng giấc ngủ ngon một cách dễ dàng.
Đinh lăng còn được cấu tạo bởi nhiều chất dinh dưỡng bổ ích như B1, B2, B6, C và các Amino Acid (Axit Amin) – thành phần chính cấu tạo nên protein cho cơ thể. Trong đó, Lysin, Cystein, Methionin là 3 loại Axit Amin thiết yếu không thể thay thế. Đặc biệt, 2 loại Axit Amin là Lysin và Methionin được xem như cặp bài trùng có thể giúp bạn tận hưởng một giấc ngủ ngon.

Lysin kích thích não bộ giảm căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, thư giãn đầu óc sau một ngày dài làm việc. Giấc ngủ ngon không còn là nỗi trăn trở của nhiều người. Bên cạnh đó, Methionin trong đinh lăng hỗ trợ tim và hệ tuần hoàn lưu thông, ngăn chặn tích tụ mỡ ở gan, bổ sung năng lượng cho các cơ. Điều này giúp chúng ta tăng cảm giác sung sức, và cường độ làm việc. Bạn sẽ tận dụng được hết nguồn năng lượng dồi dào trong ngày và có một giấc ngủ ngon về đêm.
Hơn nữa, ⅓ chất dinh dưỡng có trong nhân sâm Hàn Quốc có thể tìm thấy ở cây đinh lăng. Đinh lăng có tác dụng thư giãn đầu óc, vỏ não được kích hoạt đồng bộ, giải tỏa căng thẳng, từ đó hình thành một giấc ngủ thoải mái và dễ chịu.
4. Cách sử dụng lá đinh lăng chữa mất ngủ
Đinh lăng có thể được sử dụng để làm nước uống, túi thơm và các loại thức ăn trị mất ngủ dễ dàng. Sau đây là một số công thức sử dụng đinh lăng như là một nguyên liệu chữa trị chứng mất ngủ.
Sắc nước uống từ lá đinh lăng nguyên chất
Đầu tiên, bạn sẽ đun nóng lá đinh lăng đã rửa sạch với nước trong khoảng 15 phút. Đến khi nước trở vàng chúng ta có thể sử dụng ngay. Mỗi ngày chỉ với một cốc nước đinh lăng trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng có thể giúp cơ thể thư giãn và tận hưởng một giấc ngủ ngon.
Sử dụng túi lá đinh lăng với gừng
Rang khô lá đinh lăng với gừng là cách phổ biến được nhiều người áp dụng để chữa mất ngủ. Rang lá đinh lăng được sắt nhỏ với gừng xay nhuyễn nguyên vỏ trong khoảng 10 – 15 phút đến khi hỗn hợp dậy mùi thơm đặc trưng. Sau đó, cho hỗn hợp vào túi vải và để dưới gối ngủ (mỗi hỗn hợp sau khi được rang chỉ phát huy hiệu quả tốt trong một đêm).
Mùi hương của đinh lăng và gừng sẽ tạo cảm giác ấm cúng, thoải mái cho căn phòng và đồng thời kích thích một giấc ngủ ngon. Nếu cảm thấy không hợp với mùi của đinh lăng, chúng ta có thể gói hỗn hợp lại và đặt trực tiếp lên trán mình và đợi đến khi hỗn hợp nguội rồi bỏ ra khỏi phòng.
Chế biến lá đinh lăng với trứng gà

Cách làm này khá đơn giản, bạn chỉ cần chiên trứng như bình thường kết hợp với lá đinh lăng được thái nhỏ. Lưu ý của món này là không nên bỏ gia vị vì có thể giảm hiệu quả trị mất ngủ của đinh lăng.
Kết hợp đinh lăng với những loại thảo dược khác
Ngoài ra, đinh lăng còn được kết hợp với nhiều loại thảo dược như tam diệp, rau má, lá vông,… để trị mất ngủ mãn tính.
Kết hợp 24g đinh lăng, 15g liên nhục, 12g tâm sen và 20g tam diệp cùng lá vông có thể trị dứt điểm chứng mất ngủ mãn tính. Đun hỗn hợp thảo dược trên với 500ml nước cho đến khi nước rút còn 200ml thì có thể sử dụng ngay. Duy trì uống trong vòng 10 ngày, mỗi ngày 2 buổi sáng và chiều tối. Sau 10 ngày sử dụng và theo dõi giấc ngủ, bạn ngừng uống hỗn hợp thảo dược trên trong 3 ngày và tiếp tục uống nếu vẫn còn chứng mất ngủ.
Đinh lăng được ví như thuốc tiên dành cho người nghèo vì cây dễ trồng và mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Đặc biệt, với hương vị đắng nhẹ, hơi ngọt và có tính mát, đinh lăng có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu để tỏa hương hay chế biến ra những món ăn, thức uống chữa chứng mất ngủ đơn giản và phổ biến ngày nay.