Mặc dù rất khó để trả lời “Tại sao chúng ta lại ngủ?”, nhưng các nhà khoa học đã tìm ra 9 lý do giải thích nguyên nhân con người dành 1/3 cuộc đời để ngủ!
Trước những năm 1950, hầu hết mọi người đều tin rằng giấc ngủ là hoạt động thụ động, trong đó cơ thể và não bộ không hoạt động suốt khoảng thời gian này. Nhưng hoá ra khi ngủ não bộ vẫn tham gia vào một số hoạt động cần thiết cho sự sống (theo chuyên gia giấc ngủ tại Johns Hopkins và nhà thần kinh học Mark Wu). Hãy xem xét kỹ hơn 8 lý do tại sao chúng ta lại ngủ và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngủ đủ nhé!
1. Dựa trên các lý thuyết khoa học
1.1. Lý thuyết bảo toàn năng lượng
Theo lý thuyết bảo toàn năng lượng, chúng ta cần ngủ để bảo toàn năng lượng. Giấc ngủ cho phép cơ thể hoạt động trao đổi chất ở mức thấp, giảm nhu cầu tiêu thụ calo.
Nghiên cứu cũng cho thấy con người ngủ 8 giờ có thể tiết kiệm năng lượng hàng ngày lên đến 35%.
1.2. Lý thuyết phục hồi tế bào
Giải thích thứ hai cho câu hỏi vì sao chúng ta lại ngủ là giúp “khôi phục” những gì cơ thể đã mất khi thức. Nhiều thực nghiệm cho thấy giấc ngủ tạo cơ hội tự chữa lành và trẻ hóa trên cả người và động vật.
Động vật bị mất ngủ hoàn toàn sẽ không còn chức năng miễn dịch và chết chỉ sau vài tuần. Với các trường hợp khác, chức năng phục hồi chính như tăng trưởng cơ, sửa chữa mô, tổng hợp protein và giải phóng hormone chỉ xảy ra trong khi ngủ.
Chúng ta cần ngủ để tự chữa lành và trẻ hóa
1.3. Lý thuyết về độ mềm dẻo của não bộ
Đây là một trong những giải thích mới và thuyết phục nhất về lý do tại sao chúng ta ngủ.
Độ mềm dẻo của não bộ là thuật ngữ chỉ khả năng thay đổi và thích ứng của não với hệ thống thông tin tiếp nhận.
Khoa học về giấc ngủ cho thấy chúng ta cần ngủ để các tế bào thần kinh của não tổ chức lại thông tin dễ dàng hơn. Trong khi ngủ, não bộ tiến hành chuyển đổi ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn, cũng như loại bỏ thông tin không cần thiết có thể làm rối loạn hệ thần kinh.
2. Dựa trên các nghiên cứu về sức khoẻ
2.1. Sức khoẻ tinh thần
Lý do tiếp theo cho câu hỏi tại sao chúng ta lại ngủ là vì chúng cần thiết cho sức khỏe tinh thần. Trong khi ngủ, hoạt động não tăng lên ở các khu vực điều chỉnh cảm xúc, từ đó hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh và ổn định cảm xúc.
Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ và sức khỏe tinh thần gắn liền với nhau. Một mặt, rối loạn giấc ngủ góp phần khởi phát và tiến triển các vấn đề tinh thần. Nhưng mặt khác, các vấn đề tinh thần cũng gây ra rối loạn giấc ngủ.
Ngủ giúp chúng ta điều chỉnh cảm xúc và não bộ
2.2. Sức khoẻ cân nặng
Tại sao chúng ta lại ngủ? Vì chúng ta có thể duy trì trọng lượng cơ thể bằng cách kiểm soát hormone gây đói trong khi ngủ. Các hormone này bao gồm ghrelin làm tăng cảm giác thèm ăn và leptin giúp tăng cảm giác no sau khi ăn.
Cụ thể nếu ngủ đủ giấc, ghrelin sẽ giảm nhờ sử dụng ít năng lượng hơn so với khi thức. Ngược lại, thiếu ngủ sẽ làm tăng ghrelin và ức chế leptin. Sự mất cân bằng này khiến bạn đói hơn, nguy cơ nạp nhiều calo và tăng cân.
Nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu ngủ mãn tính, thậm chí chỉ ngủ ngắn 5 đêm liên tục vẫn có thể gây ra bệnh lý béo phì.
2.3. Sức khỏe chống lại hội chứng kháng insulin
Insulin là một loại hormone giúp các tế bào sử dụng glucose hoặc đường để tạo ra năng lượng. Nhưng trong trường hợp kháng insulin, tế bào không phản ứng với insulin dẫn đến mức đường huyết cao và báo hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Lý do tại sao chúng ta lại ngủ là vì giấc ngủ giúp cơ thể chống lại hội chứng kháng insulin, giữ cho các tế bào khỏe mạnh dễ dàng hấp thụ glucose hoặc đường.
Giấc ngủ giúp cơ thể chống lại hội chứng kháng insulin
2.4. Sức khoẻ miễn dịch
Hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hay không phụ thuộc một phần vào giấc ngủ. Thiếu ngủ có thể ức chế phản ứng miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi trùng.
Còn trong khi ngủ, cơ thể tạo ra cytokine – protein chống lại nhiễm trùng, viêm cũng như tạo ra các kháng thể và tế bào miễn dịch. Đó là lý do tại sao chúng ta lại ngủ khi bị ốm hoặc căng thẳng, cơ thể cần nhiều tế bào miễn dịch và protein hơn.
2.5. Sức khỏe tim mạch
Mặc dù vẫn chưa chính xác nhất, nhưng các nhà khoa học vẫn cho rằng giấc ngủ hỗ trợ sức khỏe tim mạch bắt nguồn từ mối liên hệ giữa bệnh tim và thiếu ngủ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết trung bình người trưởng thành cần 7 giờ ngủ mỗi đêm. Ngủ ít hơn mức này thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, trong đó có sức khỏe tim mạch.
Tóm lại, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sức khoẻ con người. Nếu bạn liên tục gặp tình trạng khó ngủ kéo dài, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ. Khi xác định nguyên nhân cơ bản, chất lượng giấc ngủ và cả cuộc sống cá nhân của bạn đều sẽ được cải thiện.