Hiểu được mối liên hệ giữa trầm cảm giấc ngủ là một bước quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ và quản lý chứng trầm cảm tốt hơn.
Trầm cảm và các vấn đề về giấc ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn như những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gấp 10 lần so với những người có một giấc ngủ ngon. Trong số những người bị trầm cảm, 75% gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Hiểu được mối liên hệ giữa chứng mất ngủ và trầm cảm có thể giúp bạn phát hiện sớm các nguy cơ và phục hồi dần nếu đang gặp phải cả hai tình trạng trên.
1. Trầm cảm mất ngủ có mối quan hệ hai chiều
Trầm cảm mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hầu như tất cả những người bị trầm cảm đều gặp các vấn đề về giấc ngủ. Trên thực tế, bác sĩ có thể chần chừ chẩn đoán trầm cảm nếu bệnh nhân không có phàn nàn gì về giấc ngủ.
Đây là mối quan hệ hai chiều: ngủ không ngon có thể góp phần vào sự tiến triển của bệnh trầm cảm. Ngược lại, bệnh trầm cảm sẽ làm cho một người có nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn. Trong nhiều năm liền, các nhà khoa học đã nghiên cứu cái nào đến trước, cái nào đến sau: trầm cảm hay mất ngủ. Nhưng rõ ràng là hai vấn đề này thường song hành và làm tăng mức độ trầm trọng của nhau.
2. Triệu chứng của trầm cảm có bao gồm mất ngủ
Triệu chứng của bệnh trầm cảm bao gồm rất nhiều thay đổi về thể chất cũng như tâm trạng và suy nghĩ, gây ra những cản trở sinh hoạt hàng ngày. Trong đó có các vấn để về giấc ngủ liên quan đến trầm cảm bao gồm mất ngủ, ngủ nhiều và ngưng thở khi ngủ.
Mất ngủ là phổ biến nhất và ước tính xảy ra ở khoảng 75% bệnh nhân người lớn bị trầm cảm. Khoảng 20% người bị trầm cảm có chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và khoảng 15% bị chứng ngủ quá nhiều.
Tuy nhiên, trầm cảm chỉ có thể được chẩn đoán bởi các chuyên gia y tế. Ngược lại, mất ngủ có thể là một tình trạng riêng biệt hoặc là triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nếu nghi ngờ mình có các triệu chứng trầm cảm, bạn nên nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ tâm thần. Chuyên môn của họ mới đánh giá chính xác các triệu chứng của bạn có phải là nguy cơ tiềm ẩn trầm cảm hay không.
3. Mất ngủ làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm
Theo chiều ngược lại, các vấn đề về giấc ngủ góp phần vào sự hình thành và tiến triển của bệnh trầm cảm. Những người bị mất ngủ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 10 lần những người ngủ ngon.
Ngủ là việc cần thiết để não bộ hoạt động bình thường. Khi không ngủ đủ giấc, nó sẽ ảnh hưởng đến mức năng lượng và tâm trạng của bạn, thông qua những thay đổi chức năng của chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Gián đoạn giấc ngủ ảnh hưởng đến hệ thống điều khiển căng thẳng của cơ thể, phá vỡ nhịp sinh học và tăng khả năng trầm cảm.
4. Điều trị thông qua mối liên hệ trầm cảm mất ngủ
Chính vì trầm cảm mất ngủ có mối liên hệ với nhau, nên những liệu pháp điều trị triệu chứng này có thể giúp ích cho bệnh lý kia. Ngược lại, tình trạng này cũng có thể làm cho tình trạng khác trở nên tồi tệ hơn nếu chúng kéo dài mà không được điều trị. Điều trị trầm cảm thường bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Trên thực tế, việc kết hợp tổng thể các biện pháp điều trị cho thấy tỷ lệ cải thiện cao hơn so với một phương pháp duy nhất.
5. Một số lời khuyên cho triệu chứng trầm cảm mất ngủ
Nếu bạn có các triệu chứng trầm cảm kèm theo mất ngủ, hãy ưu tiên nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức. Bởi vì cả trầm cảm và mất ngủ đều có thể điều trị được. Nhưng một số lời khuyên kèm theo dưới đây sẽ phần nào giúp bạn đối phó với chứng trầm cảm và mất ngủ tạm thời:
– Có môi trường ngủ thoải mái và yên tĩnh. Sử dụng phòng ngủ chỉ để ngủ chứ không phải để nói chuyện điện thoại, nhắn tin hay xem tivi.
– Giữ lịch ngủ đều đặn nhất có thể. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.
– Có một thói quen ngủ. Bao gồm các hoạt động thư giãn như đọc sách hoặc tắm trước khi đi ngủ. Nên nhớ xem tin tức muộn không phải là một thói quen thư giãn.
– Tập thể dục mỗi ngày giúp giảm trầm cảm dẫn đến giấc ngủ thoải mái.
– Hãy ra ngoài phơi nắng buổi sáng khi có thể! Điều này giúp bạn thiết lập đồng hồ sinh học của mình.
– Hãy thức dậy nếu bạn không thể ngủ được! Đừng chỉ nằm trên giường nhìn chằm chằm lên trần nhà, nên ra khỏi giường và thực hiện một vài hoạt động nhẹ nhàng cho đến khi cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ.
– Tránh ngủ trưa vào buổi chiều, dùng đồ uống có caffeine và rượu. Rượu có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ, nhưng nó cũng khiến bạn không ngủ ngon được.
Tóm lại, đừng cố gắng lãng quên các triệu chứng trầm cảm hoặc mất ngủ! Cả hai đều có thể gây bất lợi cho tâm trạng và sức khỏe của bạn nếu không được điều trị từ sớm.