Bạn đã nhắm mắt sẵn sàng chìm vào giấc ngủ, nhưng đôi chân mỏi nhừ đau nhức không để bạn yên. Nếu thường xuyên rơi vào tình trạng này, hãy tìm hiểu ngay 5 cách trị mỏi chân dưới đây!
Cho dù tạm thời hay kéo dài, thì tình trạng mệt mỏi, đau nhức chân khi ngủ thường rất phổ biến và ít nhiều khiến chúng ta khó chịu. Rất may, có nhiều cách làm giảm mỏi chân cũng như tăng chất lượng giấc ngủ. Bài viết dưới đây sẽ giải thích ngắn gọn các nguyên nhân có thể gây ra đau nhức chân, sau đó khám phá 5 giải pháp giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình.
Nguyên nhân gây mỏi như đau nhức chân khi ngủ
Bước đầu tiên để điều trị nhức mỏi chân khi ngủ là xác định các nguyên nhân tiềm ẩn gây khó chịu. Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất có thể dẫn đến tình trạng này:
1. Bệnh hẹp động mạch ngoại biên (PAD)
Hẹp động mạch ngoại biên (PAD) là tình trạng bệnh lý do các mảng xơ vữa và huyết khối bám trên thành mạch máu, gây hẹp tắc lòng động mạch, suy giảm lưu lượng máu đến các chi, chủ yếu là chi dưới.

Bệnh lý này có thể gây đau nhức chân khi nằm, thường được gọi là đau mỏi khi nghỉ ngơi. Khi trọng lực không còn giúp lưu thông máu động mạch đến chân, nó càng dẫn đến đau dữ dội.
2. Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính (CVI)
Tình trạng máu tĩnh mạch không lưu thông theo dòng chảy bình thường mà trào ngược lại ngoại biên vốn đã bị ứ huyết. Từ tình trạng suy tĩnh mạch nông hoặc sâu, nếu không điều trị sẽ tiến triển thành hội chứng suy tĩnh mạch mạn tính (CVI).
Suy tĩnh mạch mãn tính (CVI) có thể gây đau nhức chân vào ban đêm do áp lực trong tĩnh mạch cao và máu tĩnh mạch bị ứ đọng do ngồi hoặc đứng cả ngày. Nâng cao chân thường xuyên hàng ngày có thể giúp giảm bớt áp lực này.
3. Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là hiện tượng hai chân luôn ở trong trạng thái muốn vận động, do rối loạn của hệ thống thần kinh. Mặc dù không nguy hiểm nhưng hội chứng này thường dẫn đến chân có cảm giác ê ẩm, bồn chồn và run rẩy.
4. Đau hoặc cứng khớp và cơ
Căng cơ là một chấn thương phổ biến xảy ra khi các sợi cơ bị rách do hoạt động quá sức. Nó thường xảy ra ở các cơ lớn hơn, chẳng hạn như gân kheo, bắp chân hoặc cơ tứ đầu.
Đau cứng khớp và cơ lâu ngày có thể dẫn đến đau nhức, mỏi chân khi ngủ. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn trước đó đã bị viêm khớp cho đến việc tập luyện vất vả, gây chấn thương chân.

5 cách trị mỏi chân khi ngủ vào ban đêm
Bạn có thể tự điều trị đau mỏi chân tại nhà nếu đó là tình trạng nhẹ và không kéo dài thường xuyên. Hãy thử các phương pháp đơn giản sau đây khi bạn, mệt mỏi hoặc hoạt động quá sức phần chân khi ngủ nhé!
1. Massage chân
Nếu đang đối phó với tình trạng mỏi chân vào ban đêm, thực hiện xoa bóp nhanh nhưng nhẹ nhàng đủ kích thích sẽ làm biến mất các triệu chứng khó chịu.
Tuy nhiên, nếu các cơ bị đau là nguyên nhân gây ra mỏi chân, xoa bóp tác động sâu hơn mới có thể làm tan đi cảm giác khó chịu dễ dàng. Bạn có thể tự massage bằng tay hoặc dùng con lăn massage chuyên nghiệp.
2. Liệu pháp nóng và lạnh
Tắm nước ấm hoặc tắm vòi sen trước khi ngủ sẽ giúp bạn cảm thấy buồn ngủ và giảm đau cơ. Kết hợp sử dụng túi chườm nóng để tập trung vào các cơ bị đau nhức hoặc cứng khớp.

Trong trường hợp bị sưng, bạn nên sử dụng liệu pháp lạnh để thay thế. Lạnh làm co mạch máu của bạn, làm giảm lưu lượng máu đến khu vực này và ngăn cản việc giữ nước, giúp giảm sưng tấy.
3. Vận động thể chất
Trong một số trường hợp, vận động nặng là nguyên nhân khiến chân bạn đau nhức, nhưng đây vẫn là giải pháp đơn giản để giảm mệt mỏi cho cơ bắp.
Ví dụ, nếu massage nhanh không hiệu quả, thì đi bộ ngắn đến phòng tắm hoặc nhà bếp có thể giúp xua tan hội chứng chân không yên vào ban đêm. Chỉ cần ra khỏi giường để vận động cơ thể có thể giúp chấm dứt các triệu chứng nhanh chóng.
4. Kê cao chân
Ngay khi bước ra khỏi giường vào buổi sáng, các tĩnh mạch đã phải làm việc để chống lại trọng lực, vì chúng đóng vai trò vận chuyển máu từ chân đến tim của bạn. Điều này thường dẫn đến áp lực cao trong các tĩnh mạch, dòng máu tĩnh mạch bị đình trệ và sưng tấy, đồng thời gây ra cảm giác đau nhức, nặng nề, mệt mỏi vào cuối ngày.

Kê cao chân sẽ cho phép bạn tận dụng lợi thế của trọng lực để giảm áp lực trong tĩnh mạch, cải thiện lưu lượng máu tĩnh mạch và giảm sưng. Thử đặt một chiếc gối hoặc chăn gấp bên dưới nệm của bạn. Không cần quá cồng kềnh, sao cho đủ để nâng chân của bạn lên khỏi mặt giường tầm 10cm.
5. Liệu pháp nén ép
Cách tốt nhất để điều trị các triệu chứng là ngăn chúng xuất hiện ngay từ đầu và đó là lúc liệu pháp nén ép xuất hiện. Đây là liệu pháp sử dụng các loại các loại băng, găng tay, tất, quần áo, mặt nạ, các loại thiết bị nén ép chuyên dùng khác để băng ép tạo ra áp lực nhằm điều trị chấn thương và bệnh tật.
Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, quần áo nén thường không nên mặc khi đi ngủ, nhưng mặc chúng vào ban ngày có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng khiến đôi chân mệt mỏi, đau nhức và khiến bạn thức đêm. Vớ nén giúp tăng cường tuần hoàn và giảm sưng tấy, giúp đôi chân bạn cảm thấy dễ chịu vào cuối ngày.
Tóm lại, đau chân là một cơn đau hoàn toàn bình thường và phổ biến ở nhiều người. Chỉ cần kết hợp các mẹo phòng ngừa cũng như kiểm soát triệu chứng, bạn có thể ngăn chúng làm phiền giấc ngủ của mình. Nhưng nếu cơn đau vẫn tiếp diễn, bạn hãy trực tiếp đến gặp bác sĩ để giải quyết tận gốc vấn đề nhé!